TTCN - Mới hơn 5 giờ chiều sương mù đã trắng rừng núi Trà Linh. Tôi lấy chiếc áo ấm chạy vội theo đám trai làng Cam-bin lên rừng canh giữ vùng sâm trồng. Họ mang theo cả cung nỏ để phòng thủ.
Giá sâm Ngọc Linh tăng vùn vụt đã khiến nạn trộm sâm gia tăng và việc canh giữ sâm ngày càng nhọc nhằn khổ sở với người dân xã Trà Linh - nơi có vùng sâm hoang và cả sâm trồng nổi tiếng ở mạn Bắc Ngọc Linh (Nam Trà My, Quảng Nam)...
Càng lội sâu vào rừng sương mù càng đậm đặc, rừng núi càng tăm tối, âm u hơn. Theo lời của những người trong đoàn, vùng trồng sâm được chọn ở gần làng để tiện việc canh giữ, vậy mà phải gần một giờ vượt qua những con dốc dựng đứng chúng tôi mới đến nơi. Cách vườn sâm vài trăm mét, người trong đoàn đã hú lên để làm tín hiệu cho người trực vườn biết. Thấy tôi hơi bước chếch khỏi hàng, một người vội kéo tay tôi theo bước anh.
“Coi chừng, cái chông, cái hố đầy bốn phía vườn, bước khỏi đường một chút là giẫm nhằm...”, rồi anh soi đèn pin chỉ cho tôi xem những bãi chông dày ken lởm chởm rợn người. Sau khi nghe Bằng - người trực ngày ở vườn sâm - báo lại tình hình canh giữ cây sâm, cả toán cảm thấy an tâm. “Có đêm động rừng, bọn mình không ai ngủ được, phải cùng nhau thức trắng để giữ cây sâm. Bọn trộm sâm ngày càng đông hơn...”.
“Động rừng”, ấy là khi họ nhận được thông tin trộm sâm diễn ra trong vùng và bọn trộm sâm có khả năng xuất hiện. Uống xong tuần nước trà, họ chia nhau tuần tra. Vườn sâm nằm dưới tán cổ thụ ken dày, rộng không quá ngàn mét vuông, địa hình phức tạp, phải lần dò từng bước để tránh chông nổi chông chìm và các loại bẫy giăng mắc.
Dễ chừng hơn nửa giờ chúng tôi mới lội giáp vòng vườn. Xong vòng tuần tra, hai người vào trại nghỉ, hai người ở lại canh vườn. Tôi theo Sơn tìm một gốc cây lớn ngồi canh. Sơn chỉ cho tôi xem chiếc xà lét (gùi nhỏ) đựng đầy những viên đá vừa nắm tay, nói khẽ: “Đạn bắn của bọn mình đó.
Hễ nghe chỗ nào động, nghi bọn trộm vô vườn là mình ném đá đến đó rồi la lên để bọn chúng hoảng sợ, giẫm nhằm chông đi không được là bọn mình quét đèn pin đến bắt...” . Sau hơn một giờ canh, tôi đã ngủ gà ngủ gật nhưng Sơn vẫn không chút mỏi mệt dù đêm nay là đêm thứ ba anh lên ca trực liên tục. Sơn kể với tôi chuyện vì sao dạo này dân phải giữ sâm nghiêm ngặt: “Trước bọn trộm chỉ nhắm những vùng sâm già chừng ba bốn tuổi trở lên, nhưng nay chúng không chừa cả cây sâm mới bén rễ. Non thì nhổ lấy cây con về trồng, còn già thì lấy củ”.
Việc củ sâm Ngọc Linh lên giá, cây sâm bị nhổ trộm đang là chuyện nóng bỏng ở Trà Linh. “Hồi chưa có nhiều cây sâm con, mỗi hộ chỉ trồng được năm bảy trăm cây, nạn trộm sâm chưa nhiều, chưa ai nghĩ đến chuyện phải canh giữ nên trồng phân tán mỗi người mỗi nơi. Bởi rứa việc canh giữ rất khó khăn. Nhưng có khó mấy thì mình cũng phải ráng giữ, thiếu người thì làm thêm nhiều cái chông cái bẫy. Đã có mấy tên trộm vướng nhằm chông bị thương, phải xé quần áo mà băng...” - ông Reo ở Măng Lùng nói.
[You must be registered and logged in to see this image.] | |
Cây sâm trồng chừng ba tuổi đã cho trái, mỗi cây có thể cho được 60-70 trái/ năm để gieo ươm thành cây con | Mỗi khoảnh sâm trồng của mỗi hộ đều được rào chắn rất kiên cố. Vòng ngoài hàng rào là hệ thống chông chìm chông nổi cùng các công cụ báo động dày ken |
Trạm dược liệu Trà Linh (với nhiệm vụ ươm trồng cây sâm Ngọc Linh) cũng “đóng đô” ở Măng Lùng. Phó trạm Hồ Văn Du bức xúc: “Nạn trộm sâm đã xảy ra ở đây từ lâu nhưng chỉ vài năm trở lại đây là trầm trọng. Bọn trộm sâm bám sát từng vùng sâm trồng của trạm cũng như của người dân trong vùng. Chúng nhổ sạch, không chừa một cây nhỏ...”. Ngày 25-3-2005, một toán trộm sâm ở làng Mô-gia (Ngọc Lai, Đăk Tô, Kontum) đã cắt rào, vượt qua hệ thống phòng thủ của chốt Ngok Đó nhổ trên 1.000 cây sâm năm tuổi.
Bí thư Đảng ủy xã Trà Linh Hồ Văn Quang cũng có vườn sâm ba năm tuổi bị mất hơn 300 cây. Bọn trộm ma mãnh chỉ cắt lấy phần củ bên dưới, để lại phần thân bên trên, khi đào lên mới biết là sâm bị trộm. Ngày 20-4-2005, vườn sâm của bà con nóc Tăk-lang bị trộm hơn 500 cây ba năm tuổi. Đầu tháng 3-2005, vườn sâm 4-5 tuổi của ông Hồ Văn Thành - phó chủ tịch HĐND xã - cũng bị nhổ trộm cả ngàn cây.
Ông Quang nói: “Cây sâm trồng cứ mất miết, dân mình giận lắm. Nhiều người khổ cực phải đi vay tiền để mua giống sâm, họ muốn đặt quanh vườn sâm cái bẫy thò như trước đây dân mình đã làm để bẫy giết thằng giặc, nhưng vì phải giữ cái pháp luật của Nhà nước nên thôi. Chỉ còn cách cùng nhau lên rừng giữ đêm giữ ngày cây sâm...”.
Cũng theo ông Quang, chỉ có các vùng rừng thuộc xã Trà Linh và một phần rất nhỏ của các xã Trà Cang, Trà Nam (có độ cao từ 1.500m trở lên) là có cây sâm Ngọc Linh mọc hoang, còn sâm trồng thì chỉ duy nhất các vùng rừng cao của xã Trà Linh mới trồng được. Nguồn sâm trồng, ngoài trạm dược Trà Linh, người dân tự trồng chừng hơn mươi năm nay nhờ vào nguồn cây con họ tự kiếm được ở rừng cũng như sự trợ giúp của trạm qua nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh.
[You must be registered and logged in to see this image.] |
Những chủ vườn sâm tám tháng tuổi của nóc Cam-bin tại chòi trực bảo vệ |
Một gia đình có thể có nhiều vườn sâm ở rừng. Bởi vậy, gần như các vùng rừng ở Trà Linh ngày đêm đều có mặt người giữ sâm, có nhà có đến đôi ba điểm sâm cần phải giữ. Họ phải đeo đuổi việc canh giữ năm bảy năm trời từ khi trồng sâm đến khi thu hoạch!
Miền cao này xưa nay có tiếng là ngay thật, không ai trộm cắp của ai, vậy nay tại sao lại có tình trạng trộm cắp sâm gây khó khổ cho nhau như thế? Ông Quang nói: “Cái chính là do củ sâm Ngọc Linh có giá trị quá cao. Năm ngoái, một lạng sâm tươi giá bán tại đây đã 250.000 - 300.000 đồng, còn năm nay thì lên đến 350.000 - 400.000 đồng, loại củ lớn một lạng có giá đến 500.000 đồng. Củ sâm giá trị cao đã làm cái bụng một số người mình quên cái xấu cái tốt, đổ sức đi nhổ trộm sâm...”.
Các vụ trộm sâm trồng ở Trà Linh lâu nay đều do một số cư dân vùng cao ở mạn Nam Ngọc Linh (các huyện Đăk Tô, Đăk Glei, Kontum) sang trộm.