| Chỉ tiêu của tỉnh Đồng Tháp trong 5 năm tới là phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 14,5%/năm, chỉ tiêu này không quá cao đối với tỉnh vì năm 2005 tỉnh đã đạt mức tăng trưởng 13,48%. Để đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế bền vững, từ năm 2006 tỉnh Đồng Tháp chọn công nghiệp và đô thị hóa làm khâu đột phá để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.
Các giải pháp quan trọng mà tỉnh đặt ra để thực hiện trong những năm tới là: coi trọng việc lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch; tập trung huy động vốn cho đầu tư phát triển và nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị; tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp - xây dựng, trong đó, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông là nhiệm vụ hàng đầu; phát triển đa dạng các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch, lấy phát triển thị trường làm khâu trọng tâm; nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền sản xuất nông nghiệp và phát triển mạnh kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển mạnh các thành phần kinh tế. Thực tế những năm qua, mục tiêu và các giải pháp trên đã được tỉnh từng bước thực hiện đạt hiệu quả trên từng mặt và đã được đúc rút kinh nghiệm, nhờ đó, kinh tế của tỉnh đã vượt qua thời kỳ suy giảm về tốc độ tăng trưởng và liên tục phát triển với nhịp độ khá cao.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 9,93% cao hơn 3,07% so với giai đoạn 1996-2000, giá trị GDP năm 2005 đạt trên 7.418 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2000. Hai lĩnh vực quan trọng mà tỉnh đã thực hiện đạt hiệu quả cao là nông- lâm- thủy sản nhiều năm liền vượt chỉ tiêu kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước, đạt mức tăng trưởng bình quân 7,49%/năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trong đó sản lượng lương thực đạt kết quả vượt trội so với chỉ tiêu hàng năm, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu cho cả nước (năm 2005 tỉnh đạt sản lượng lương thực 2,6 triệu tấn, chỉ tiêu là ổn định ở mức 2 triệu tấn).
Công nghiệp-xây dựng đạt tốc độ bình quân 17,71%/năm; xây dựng được kết cấu hạ tầng thiết yếu cho phát triển ngành những năm tiếp theo. Tỉnh đã qui hoạch xây dựng hình thành 3 khu công nghiệp tập trung ở 2 thị xã và dọc bờ sông Hậu của huyện Lai Vung, thu hút được 29 dự án đầu tư với tổng vồn gần 1.000 tỷ đồng và 1,3 triệu USD; qui hoạch xây dựng 16 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các huyện, thị, một số cụm đã vận hành bước đầu phát huy tác dụng. Nâng cao chất lượng qui hoạch là nhiệm vụ hàng đầu.
Năm 2006, tỉnh Đồng Tháp sẽ hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2010 và các đề án, qui hoạch phát triển ngành phù hợp với qui hoạch vùng và yêu cầu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, trong đó, chú trọng qui hoạch sử dụng đất, phát triển giao thông, các khu công nghiệp, mở rộng mạng lưới đô thị và các đề án sản xuất lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản, nâng cao năng lực chế biến, vật liệu xây dựng, phát triển du lịch, kinh tế biên giới. Kế tiếp là tập trung huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển với kế hoạch huy động khoảng 34.000 tỷ đồng mỗi năm, trong đó, tự cân đối từ nội bộ nền kinh tế từ 38 đến 40%, đề nghị Trung ương hỗ trợ từ 30 đến 32%, kêu gọi vốn đầu tư từ 12 đến 14% và vốn vay tín dụng từ 18 đến 20%.
Trên cơ sở qui hoạch và huy động vốn cho đầu tư phát triển, tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư cho phát triển công nghiệp, trong đó, xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp Sa Đéc, Trần Quốc Toản, Sông Hậu, hạ tầng giao thông là nhiệm vụ hàng đầu, từ đây sẽ phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, may mặc, vật liệu xây dựng để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, mở rộng thị trường.
Tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch, hệ thống giao thông chính ở thành phố Cao Lãnh, 2 thị xã: Sa Đéc và Hồng Ngự, hệ thống giao thông thủy liên tỉnh; tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị cảng Đồng Tháp, phát triển cảng sông Tân Thành (Lai Vung), Hồng Ngự; nâng cấp các bến xe, tàu, phà, kho tàng, giao thông nối liền các khu công nghiệp với vùng nguyên liệu và các khu đô thị để đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa.
Cùng với tập trung cho phát triển ngành công nghiệp, tỉnh chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị, phát triển nhanh mạng lưới đô thị trung tâm và tuyến đô thị ở những vị trí thuận về kinh tế-xã hội. Đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị và các tuyến giao thông nối liền các đô thị vệ tinh với các đô thị lớn. Tỉnh đang đầu tư xây dựng thành phố Cao Lãnh theo các tiêu chí đô thị loại II, thị xã Sa Đéc loại III và tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang thị trấn Lấp Vò, Mỹ An theo các tiêu chí đô thị loại IV; hình thành các thị trấn, điểm dân cư tập trung ven quốc lộ 30, 80, sông Tiền, sông Hậu và khu vực biên giới của 2 huyện Tân Hồng và Hồng Ngự, xây dựng và phát triển các tuyến dân cư thành các trục đô thị trong vùng Đồng Tháp Mười, các khu đô thị mới liền kề các khu công nghiệp... từ đây sẽ phát triển nhanh các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Hiện nay, Đồng Tháp rất có điều kiện để phát triển đô thị rộng khắp mà giao thông và điện đã đi trước một bước theo qui hoạch, tạo tiền đề rất thuận lợi cho chủ trương đô thị hóa của tỉnh trong những năm tới. | |